Xem thêm

Chùa Yên Tử ở đâu? - Khám phá nơi đất tổ phật giáo Việt

Chùa Yên Tử, mảnh đất thiêng được mệnh danh là nơi "Đất tổ của phật giáo Việt Nam". Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng cảnh sắc huyền ảo, động lòng người với...

Chùa Yên Tử, mảnh đất thiêng được mệnh danh là nơi "Đất tổ của phật giáo Việt Nam". Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng cảnh sắc huyền ảo, động lòng người với mây và núi đan cài, hòa lẫn khí trời trong mát. Một địa điểm du lịch tâm linh quá lý tưởng vào dịp lễ tết đầu năm. Vậy Chùa Yên Tử có gì, thờ ai? Đi Chùa Yên Tử cầu gì?

Giới thiệu về Chùa Yên Tử

Chùa Yên Tử ở đâu?

Chùa Yên Tử cách thủ đô Hà Nội khoảng 130km và nằm trên địa phận thành phố Uông Bí - Quảng Ninh. Ngôi chùa được coi là cái nôi của Phật giáo Việt Nam, chính bởi vậy mà cha ông ta gọi Chùa Yên Tử với cái tên đầy kính trọng "Đất tổ của Phật giáo Việt Nam". Đó là cái tên gắn liền với sự hình thành của Phật giáo nước nhà từ khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con. Đến đây tu hành và lập ra giáo phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Tại sao vua Trần lại chọn Yên Tử chứ không phải một nơi khác? Theo sử kí, vua Trần chọn nơi đây làm chốn tu hành bởi ông tìm thấy ở đó sự thanh tịnh, trong lành. Tìm thấy bầu không khí có thể khiến con người ta quên đi những ganh ghét, đố kị trong cuộc sống xô bồ chốn hậu cung.

Chùa Yên Tử thờ ai?

Chùa Đồng là chùa chính tại Yên Tử nằm trên đỉnh núi thiêng Yên Sơn với độ cao hơn một ngàn mét. Người dân nơi đây rất tự hào vì đây là ngôi chùa hiện nắm giữ rất nhiều kỉ lục có thể kể đến như: ngôi chùa với chất liệu đồng lớn nhất Việt Nam, độc đáo với những tiểu tiết có sự chính xác tuyệt đối và cũng là ngôi chùa có sự phức tạp về các mảnh ghép hàng đầu thế giới… Tất cả tạo nên một kiến trúc mãn nhãn cho bất kỳ du khách nào khi ngắm nhìn một kiệt tác như vậy.

Vốn là đất tổ của Phật giáo nên trước kia có thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, Phật Tổ Như Lai và cũng là nơi chữ Đồng được tôn vinh và thờ tự. Ngoài ra, chùa Yên Tử còn là nơi thờ tự Phật Hoàng (vua Trần Nhân Tông). Ngoài ra, mỗi chùa trong cả quần thể chùa đều thờ những đối tượng khác nhau như chùa Giải Oan thờ những cung tần trong giai thoại của vua Trần, An Kỳ Sinh thờ tượng đá An Kỳ Sinh… Nhưng trên hết Chùa Yên Tử vẫn là thờ Phật.

Đi chùa Yên Tử cầu gì?

Xưa kia, những người dân địa phương coi nơi đây là đất thiêng, là nơi cầu mưa thuận gió hòa cho một mùa màng bội thu. Ngày nay, du khách đến Chùa Yên Tử phần lớn là để cầu may mắn, cầu tiền tài, cầu lộc và cầu duyên,… Bởi vậy, chùa có tiếng “Thiêng” rất được mọi người biết đến. Nhiều người còn tìm đến Chùa Yên Tử chỉ để hành lễ “chà xát” tức xát tiền vào chuông đồng hay bất cứ vật gì tại chùa để cầu cho cả năm làm ăn may mắn, tiền vào như nước.

Hành trình tham quan Chùa Yên Tử

Khi cảnh vật nơi đất tổ hiện ra trước mắt, chắc chắn du khách sẽ không khỏi thốt lên. Bởi vẻ trong vắt và tinh khiết của dòng suối uốn lượn mềm mại như những tấm lụa ôm lấy rừng trúc xanh bạt ngàn. Phóng tầm mắt lên cao là những ngọn tháp, ngọn đình trang nghiêm và cổ kính ẩn hiện trong làn sương và những lớp lá trúc chập chùng xanh rờn. Cuộc hành trình khám phá Yên Tử sẽ mất khoảng một ngày. Điểm đến đầu tiên của du khách sẽ là đền Trình được coi là cửa ngõ Yên Tử. Tại đây du khách sẽ mua vé tham quan từ ban quản lý chùa, rồi đến Thiền Viện Trúc Lâm - nơi tu học dành cho các nhà sư. Sau đó là hành trình leo núi và thắng cảnh Chùa, cảnh thiên nhiên sẽ đem lại cho du khách một cảm giác tươi mát đến lạ thường. Trước tiên là Cầu Giải Oan và chùa Giải Oan. Sở dĩ cây cầu và chùa này có tên như vậy là vì một giai thoại về vua Trần. Khi ông tìm đến ở ẩn tại Yên Tử đã có rất nhiều phi tần, cung nữ đến với ý nguyện khuyên ông trở về nhưng không thành và họ gieo mình xuống chính con suối đó tự vẫn. Ngôi chùa Giải Oan chính là di tích thờ những cung tần đó. Hình ảnh ngôi chùa, cây cầu soi bóng xuống dòng suối trong mát quả thật đẹp đến mê hoặc lòng người. Qua chùa Giải Oan, tiếp tục leo đường núi cao và gập ghềnh hơn. Nhưng cảnh vật, cây cối mỗi lúc càng xanh non hơn. Đó là những cây tùng cổ thụ hàng ngàn năm tuổi đứng uy nghi như những vị thần gác cổng dọc hai bên đường đi. Đó là con đường dẫn lên Chùa Hoa Yên. Nơi tu hành của vua Trần xưa kia, ở đó còn có Hòn Ngọc, trên đó là nơi yên nghỉ của các đời trụ trì Chùa Yên Tử. Chùa Hoa Yên Qua chùa Yên Tử, cụm tháp Huệ Quang hiện ra trước mắt với tầm cao ngút mắt trên mười mét. Đặc biệt chất liệu của tháp hoàn toàn bằng đá, bên trên là tượng đá cẩm thạch tạc vua Trần Nhân Tông. Nơi đây có sự kết hợp độc đáo giữa cảnh cây cối đặc biệt là những cây tùng cao vút với vật là ngọn tháp tạo nên hơi hướng của vẻ đẹp "Tây Thiên" - Nơi Đường Tăng thỉnh kinh. Men theo sườn núi, du khách sẽ bắt gặp Am Thiền Định - một di tích được tương truyền là nơi vua Nhân Tông ngồi thiền khi xưa. Chùa Một Mái Đi tiếp để tham quan Chùa Một Mái, bên sườn là suối Long Khê có dòng nước trong vắt, du khách đến đây thường uống nước với tâm niệm gột sạch những lo âu trong lòng. Đi tiếp đến di tích am Ngọa Vân, đứng đây và phóng tầm mắt ra khỏi tầm lá tùng và những làn mây trắng thấp thoáng có thấy Vịnh Hạ Long ở khoảng xa xa. Phía trên Chùa Một Mái là Trúc Lâm tức vườn trúc. Rất thanh tịnh và trong mát, tâm hồn như được gột rửa và thay thế bằng một luồng sức sống mang màu xanh của lá trúc, vị tươi mát của dòng suối Ngự. Tiếp tục cuộc hành trình lên đỉnh núi, du khách sẽ được thăm quan những điểm đến thú vị nữa đó là: Chùa Bảo Sái, Chùa Tây Yên Tử, chùa Lân, An Kỳ Sinh, chùa Đồng và tượng phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngoài ra, du khách sau chuyến thăm Yên Tử còn có thể ghé thăm một ngôi chùa khác rất gần đó là Chùa Ba Vàng cũng nằm trên địa phận thành phố Uông Bí.

Tham quan Chùa Yên Tử dịp lễ hội

Chùa Yên Tử ngày thường có vẻ đẹp thanh tịnh là thế, vậy dịp lễ hội thì sao? Lễ hội Chùa Yên Tử có gì đáng xem? Lễ hội Chùa Yên Tử nổi tiếng với phần lễ hành hương. Hàng ngàn du khách thập phương sẽ sắm lễ đến đây vào dịp từ đầu tháng Giêng cho đến hết tháng ba. Để tham gia lễ hành hương lên đỉnh thiêng Yên Tử nơi Chùa Đồng ngự vị để dâng hương, cúng lễ và tỏ lòng thành kính dành cho Phật và vua Trần. Cuộc hành hương không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà đối với mỗi du khách đó là một trải nghiệm đầy thú vị. Khi tách mình ra khỏi cái nhộn nhịp, xô bồ, vội vã của công việc thường ngày và hòa mình vào phong cảnh thiên nhiên thanh tịnh.

Kinh nghiệm tham quan Chùa Yên Tử

Cần lưu ý những gì trong chuyến tham quan Yên Tử?

  • Hãy ước lượng số tiền mình sẽ chi tiêu trong chuyến đi và mang theo số tiền vừa phải, tránh bị móc túi hay rơi mất trong dịp lễ hội đông đúc.
  • Chuẩn bị giày thể thao mềm để leo núi và chuẩn bị tinh thần leo hơn 1000m với khoảng 6000 bậc thang hoặc thậm chí hơn.
  • Nên mang theo áo đề phòng lên cao nhiệt độ giảm có thể gây cảm lạnh.
  • Mang nước uống và đồ ăn dọc đường leo núi vì trên núi đồ ăn và nước uống có bán nhưng thường bị chặt chém với giá rất đắt.
  • Việc đem đồ ăn sẵn như bánh mì sữa, giò chả, bánh quy, sữa... chuẩn bị sẵn sẽ giúp bạn tiết kiệm tối đa.
  • Đoạn đường núi lên chùa Đồng khá xa khoảng hơn 1000m nên trong quá trình leo núi cần chú ý nghỉ ngơi từng đoạn giữ sức.
  • Đoạn đường cuối khi lên gần đến Chùa Đồng rất hay trơn trượt trong những ngày mưa do bậc thang đã bị mòn.
  • Chú ý dùng ngôn ngữ và trang phục lịch sự.

Phương tiện di chuyển

Chùa Yên Tử nằm cách Hà Nội khá xa nên phương án đi xe bus sẽ không thuận tiện cho các bạn vì khá tốn thời gian. Các bạn nên chọn phương tiện là xe khách hoặc xe máy.

Xe khách:

Từ Hà Nội bạn có thể dễ dàng bắt xe về Quảng Ninh. Vì Chùa Yên Tử không thuận tiện so với lộ trình xe khách nên bạn sẽ phải xuống xe tại điểm dừng Yên Tử và đi thêm 10km bằng phương tiện khác. Với khoảng cách là khoảng 130 km thì thời gian di chuyển là khoảng 2,5h.

Xe máy:

Với phương tiện là xe máy bạn hoàn toàn có thể chủ động về thời gian và không cần phải chuyển phương tiện như khi đi xe khách, tuy nhiên cần chú ý để đảm bảo an toàn. Nhất là với những bạn có điểm xuất phát gần như Hạ Long, Hải Phòng hay Uông Bí,…

Với những du khách ở xa hơn thì tốt nhất các bạn nên chọn những tour du lịch trọn gói để được hướng dẫn tận tình nhất.

Chi phí tham quan Chùa Yên Tử

Chi phí cho các dịch vụ như di chuyển từ đèn Trình vào, chi phí gửi xe, giá thuê phòng bình dân nhất vào khoảng 200,000 đ/ ngày. Ngoài ra, chi phí ăn uống tại nhà hàng khoảng 50,000đ/ suất ăn ở chân núi, bạn sẽ có cơ hội được nếm cơm chay - một món đặc sản Yên Tử ngon và rất lạ miệng. Chú ý chi phí ăn uống tại những quán ăn trên núi thường rất đắt và không ngon nên hạn chế.

Nếu không chọn giải pháp leo núi bạn có thể đi cáp treo. Kinh nghiệm mua vé cáp treo cho du khách đó là nên mua chọn 2 tuyến với giá 2 chiều là 280,000đ/ người. Tuy nhiên, nếu mua vé cả hai chiều, bạn có sẽ bỏ lỡ mất cơ hội ngắm cảnh đường lên núi với những cảnh đẹp như đã miêu tả ở trên.

Sơ đồ tham quan Chùa Yên Tử Sơ đồ tham quan Chùa Yên Tử

Bạn cũng có thể lựa chọn mua vé cáp treo chiều lên sau đó đi bộ xuống núi. Đây cũng là phương án được nhiều người lựa chọn nhất vì vừa có cơ hội vãn cảnh lại không mất sức.

Quả thực, cảnh đẹp nơi Chùa Yên Tử sẽ chinh phục bất kỳ du khách nào khi đến đây. Một điểm đến du lịch tâm linh quá lý tưởng vừa để cầu bình an, cầu may mắn, cầu duyên… Nhưng lại cũng là một cuộc hành trình khám phá thiên nhiên núi non Yên Tử thanh tịnh đẹp đến động lòng người.

Có thể bạn chưa biết: Giới thiệu về Chùa Thiên Mụ Huế và Tháp Phước Duyên

1