Xem thêm

Món tôm chua Huế và top 10 địa chỉ mua tôm chua ngon nhất

Món mắm tôm chua Huế độc đáo và đặc biệt Đến du lịch Huế, không chỉ được chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh và di tích, mà bạn còn có cơ hội khám phá nét...

Món mắm tôm chua Huế độc đáo và đặc biệt

Đến du lịch Huế, không chỉ được chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh và di tích, mà bạn còn có cơ hội khám phá nét văn hóa ẩm thực độc đáo của chốn cung đình xưa. Trong ẩm thực của người Huế, mắm tôm chua Huế là một món ăn tuy dân dã nhưng lại gây ấn tượng mạnh với người thưởng thức. Cùng Sơn Trà Travel cảm nhận sự tinh tế được gói ghém trong món tôm chua.

tôm chua Huế Đây là một món ăn khá nổi tiếng ở Huế

Tôm chua Huế có đặc điểm gì đặc biệt?

Khi đến Huế và thưởng thức những mâm cơm chuẩn vị cố đô, nhiều du khách không khỏi cảm giác bỡ ngỡ, lạ lẫm khi thấy một món mắm có nguyên liệu chính từ tôm màu đỏ hồng được dọn lên trong chiếc bát, đĩa nhỏ. Đây là món ăn gì, được chế biến theo công thức nào? Cách thưởng thức như thế nào mới đúng điệu…chắc hẳn là những câu hỏi mà đa phần du khách đều muốn biết.

Tôm chua Huế chuẩn vị nhất được chế biến từ những con tôm sông/tôm nước lợ còn tươi, mình tròn mẩy, nhảy tanh tách vừa được đánh bắt lên từ “Cầu Hai nước ngọt”.

Tôm chua ăn kèm với thịt luộc là món ăn ngon khó cưỡng của xứ Huế Tôm chua ăn kèm với thịt luộc là món ăn ngon khó cưỡng của xứ Huế

Sau khi được bắt lên, tôm sẽ được rửa sạch, ngâm một lúc trong rượu rồi vớt ra để ráo nước. Sau đó, tôm sẽ được ướp với các gia vị như tỏi, ớt thái lát mỏng, riềng, măng non, nước mắm, xôi nếp… Sau đó, mang tôm đã được ướp phụ gia đi ủ trong một chiếc vại sành cho chín. Mất khoảng từ 1 tuần đến 10 ngày để hoàn thành quá trình ủ chín tôm. Bạn để chiếc vại sành trong căn phòng sạch sẽ, thoáng mát hoặc tốt nhất là chôn xuống đất để đảm bảo nhiệt độ ổn định, chuẩn chỉnh cho quá trình lên men tôm.

Khi tôm đã chín, đem trộn cùng mật ong, cuối cùng đóng kín thành phẩm vào một chiếc lọ thủy tinh. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được tổng hòa các hương vị hòa quyện với nhau trong món mắm tôm chua này. Đó là vị ngọt, béo của thịt tôm sông tươi, vị cay của ớt, nồng thơm của riềng, tỏi, bùi bùi của xôi nếp…

Chưa hết, chỉ cần ngắm nhìn, chưa vội thưởng thức, đã có thể thấy mắm tôm chua cực hấp dẫn với nhiều sắc màu bắt mắt: trắng, hồng, vàng, đỏ…

Với hương vị đặc trưng, đầy đủ cả chua ngọt lẫn bùi bùi, nồng cay rất lạ miệng, mắm tôm chua Huế có thể kết hợp ăn cùng nhiều món ăn khác như cơm trắng, xôi, bánh chưng, bánh tét hoặc dùng làm nước chấm cho thịt luộc cũng rất ngon. Không chỉ làm gia tăng hương vị thơm ngon cho các món ăn, dĩa tôm chua còn khiến mâm cơm thêm phần bắt mắt, hấp dẫn ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Ý nghĩa của mắm tôm chua Huế

Thừa Thiên Huế là một tỉnh thành ven biển miền Trung, có hệ thống sông ngòi, biển cả với rất nhiều nguồn lợi thủy hải sản phong phú, tươi ngon. Trong đó, mùa tôm Huế kéo dài quanh năm.

Nếu tôm nước lợ, tôm sông (tôm đất) đặc biệt xuất hiện nhiều vào mùa Hè, mùa Thu, thì tháng 3 - 5 trong năm là mùa của tôm sú. Như vậy, mùa tôm hầu như kéo dài cả năm, chính vì thế, người dân địa phương đã nghĩ ra cách chế biến tôm thành nhiều món ăn, trong đó có đặc sản mắm tôm chua.

Tôm chua Huế là sự kết hợp tổng hòa giữa tinh hoa ẩm thực truyền thống và hiện đại. Cụ thể, sự mát lành của tôm quyện lại cùng vị cay nồng của ớt khiến món ăn này có đầy đủ hương vị âm - dương hòa quyện. Màu sắc sặc sỡ của các loại nguyên liệu, gia vị càng khiến món ăn thêm bắt mắt và gói ghém được sự tinh tế, tỉ mẩn của người Huế trong việc chế biến nên món ăn hấp dẫn.

Nhờ vậy, mắm tôm chua từ lâu đã trở thành thức quà “best seller”, được các tín đồ du lịch “săn lùng” để mua về làm quà cho bạn bè, người thân sau chuyến du lịch cố đô. Người dân Huế mỗi khi đi học, đi làm xa quê cũng không quên “đùm gói” món ăn mang đậm dấu ấn phong cách ẩm thực quê nhà trong hành trang của mình.

Tôm chua Huế ăn với gì là ngon nhất?

Tôm chua là món ăn tuy dân dã nhưng lại thể hiện đầy đủ sự khéo léo, tinh tế của người Huế trong cách chế biến các món ăn. Chẳng hạn như tôm để làm món tôm chua cũng được tuyển chọn từ những con tôm sông, tôm đồng không quá to, cũng không quá nhỏ, kích thước đồng đều để khi ướp gia vị, các con tôm đều ngấm gia vị như nhau, hũ tôm chua trông cũng đều đặn, đẹp mắt hơn rất nhiều. Đặc biệt, tôm luôn phải tươi, còn nhảy tanh tách và không sử dụng loại tôm biển hay tôm nuôi có kích thước lớn để làm mắm.

Có lẽ cũng vì nguyên liệu để làm mắm tôm chua Huế được tuyển chọn kỹ càng và khá đặc biệt, do đó chỉ tôm chua được làm từ chính đôi bàn tay của người Huế ngay trên quê hương cố đô mới giữ được hương vị “chuẩn không cần chỉnh”.

Tôm chua thường được ăn kèm với cơm nóng, xôi, bánh chưng, bún… Và sự kết hợp hoàn hảo, chuẩn vị nhất chính là tôm chua ăn kèm thịt luộc, dưa giá. Một bát cơm trắng còn nóng hổi, kẹp với miếng thịt luộc chấm mắm tôm chua, thêm chút dưa giá, các loại rau sống như vả, dứa, chuối chát, rau thơm, quế… quả thật sẽ khiến bạn không thể không trầm trồ xuýt xoa.

Vị chua chua cay cay của mắm tôm hòa trong cái ngọt của thịt, vị chua ngọt của dứa, chát chát giòn giòn của quả vả… tất cả trộn lẫn vào nhau đem lại cho người ăn cảm giác thích thú và vô cùng ngon miệng, ăn một lần là nhớ mãi không quên.

Hướng dẫn tự làm tôm chua Huế ngay tại nhà

Tôm chua là một món ăn dân dã của người dân cố đô. Cái vị chua thanh từ tôm, cay nồng của các loại gia vị làm cho ai đã một lần thưởng thức đều cực kỳ ấn tượng ngay từ lần đầu tiên. Trong ẩm thực xứ Huế, tôm chua là món ăn mộc mạc, bình dân nhưng được rất nhiều người ưa thích.

Nguyên liệu đơn giản, dễ kiếm, cách làm mắm tôm chua Huế cũng không hề quá khó. Bạn có thể tự làm món ăn này ngay tại nhà sau khi tham khảo hướng dẫn sau đây của Sơn Trà Travel.

Chuẩn bị nguyên liệu làm tôm chua Chuẩn bị nguyên liệu làm tôm chua

Nguyên liệu để làm mắm tôm chua Huế:

  • 1 kg tôm đất tươi
  • 2 thìa bột gạo nếp
  • 150 gram riềng
  • 50 gram tỏi
  • 50 gram ớt trái
  • 1 bát rượu trắng
  • Lá ổi non
  • Nẹp tre mỏng
  • Gia vị như nước mắm, muối, ớt bột…

Các bước làm mắm tôm chua kiểu Huế:

Bước 1: Sơ chế

Đầu tiên, các bạn đem tỏi, riềng đi rửa sạch, gọt vỏ rồi thái thành lát mỏng. Để riềng có màu trắng đẹp, không bị thâm, có một mẹo đơn giản là đem riềng đã thái lát ngâm cùng nước muối loãng. Tương tự, ớt trái cũng cần được rửa sạch, đem bỏ hạt, thái lát thành miếng.

Với tôm, bạn đem rửa sạch, để vào một chiếc rổ cho tôm ráo hết nước. Sau đó, bỏ đầu, rút chỉ đen ở lưng tôm để làm sạch. Tôm sạch sau đó cũng phải cho vào ngâm cùng rượu trắng trong vòng khoảng 30 phút, tiếp tục vớt ra, để ráo tôm.

Đun 2 thìa bột nếp với 200ml nước đến khi hỗn hợp chuyển sang màu trong, sệt là được.

Bước 2: Tẩm ướp gia vị

Tôm sau khi được ngâm trong rượu, hãy cho vào một chiếc tô lớn, sau đó thêm riềng, tỏi, ớt đã thái mỏng vào. Nêm nếm gia vị: 2 thìa đường, 2 thìa muối, sau đó trộn đều. Khi tất cả đã ngấm đều gia vị, bạn cho phần bột nếp được nấu chín vào trộn một lượt nữa.

Cách làm mắm tôm chua không quá khó Cách làm mắm tôm chua không quá khó

Bước 3: Pha chế tôm chua Huế chuẩn vị

Chuẩn bị một chiếc lọ thủy tinh trong suốt, rửa sạch, để khô lọ rồi mới sử dụng. Lúc này, hãy xếp tôm đã được tẩm ướp gia vị hoàn chỉnh ở bước 1 vào lọ, lần lượt từng con một. Cuối cùng, lớp phía trên sẽ được phủ một lớp lá ổi non, sau đó bạn có thể dùng nẹp tre hoặc vỉ để ép, giúp nguyên liệu không bị nổi lên sau khi chín nhờ ủ lên men.

Đem hũ tôm này đi ủ trong vòng từ 1 tuần đến 10 ngày. Nếu muốn vị chua của mắm vừa phải, bạn chỉ cần ủ lọ tôm trong vòng 7 ngày. Còn nếu thích ăn chua hơn, thời gian có thể kéo dài lên thành 9 - 10 ngày.

Cách bảo quản tôm chua Huế “chuẩn không cần chỉnh”

Mắm tôm chua sau khi được ủ lên men là bạn đã có được một thành phẩm mắm tôm chua do tự tay mình thực hiện tất cả mọi công đoạn.

Ngoài chế biến, việc bảo quản sản phẩm cũng rất quan trọng. Tôm chua nếu được bảo quản ở vị trí thoáng mát, không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời sẽ có thể giữ được khoảng từ 1 - 2 tháng.

Nếu như thêm các nguyên liệu khác vào ngâm cùng đu đủ, măng chua, cà pháo… thì thời hạn để ngoài chỉ từ 7 đến 10 ngày, sau thời gian đó bạn nên cho vào tủ lạnh để bảo quản tiếp. Khi được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, thời gian tôm chua giữ được đúng vị sẽ kéo dài hơn, khoảng từ 2 - 3 tháng.

Cần lưu ý gì khi làm mắm tôm chua Huế?

  • Ở bước chọn nguyên liệu, loại tôm thường được dùng làm mắm tôm chua là tôm đất/tôm sông sống ở vùng nước ngọt, nước lợ. Bởi đây là loại tôm có thịt rất ngọt, thơm, ít vị tanh nhất.
  • Ưu tiên tôm còn tươi sống, nhảy tanh tách, có màu vàng nâu, thân mình trong, sờ vào thấy vỏ cứng và thân tôm tròn mẩy, còn nguyên vẹn.
  • Đặc biệt, hãy chọn những con tôm đồng đều về kích thước để đảm bảo tôm chua khi dọn ra sẽ đẹp mắt, hấp dẫn hơn.

Top 10 địa chỉ mua mắm tôm chua Huế ngon đúng điệu

Mua mắm tôm chua ở đâu là uy tín, đảm bảo chất lượng nhất và không lo bị “chặt chém” hay mua phải hàng kém chất lượng? Dưới đây là List 10 địa chỉ mua mắm tôm chua ngon đúng điệu:

1. Chợ Đông Ba

  • Địa chỉ: Số 2 Trần Hưng Đạo, thành phố Huế.

2. Tôm chua Nhật Phi

  • Địa chỉ: Số 57 đường Đinh Công Tráng, phường Thuận Thành, thành phố Huế.

3. Mắm tôm chua Tâm Đức

  • Địa chỉ: Số 21 đường Đặng Trần Côn, thành phố Huế.

4. Tôm chua Tấn Lộc

  • Địa chỉ: Số 39 đường Hai Bà Trưng, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế.

5. Mắm tôm chua Trọng Tín

  • Địa chỉ: Số 95 đường Chi Lăng, phường Phú Cát, thành phố Huế.

6. Mắm tôm chua Dì Cẩn

7. Tôm chua Tô Việt

  • Địa chỉ: Số 95 đường Chi Lăng, phường Phú Cát, thành phố Huế.

8. Mắm tôm chua Sông Hương

9. Tôm chua Cô Ri

  • Địa chỉ: Số 184 đường Tăng Bạt Hổ, thành phố Huế.

10. Thiên Hương - Địa chỉ bán đặc sản Huế

  • Địa chỉ: Số 39 đường Hai Bà Trưng, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế.

Cần lưu ý rằng, tôm chua Huế có thể được mua ở nhiều chợ và cửa hàng địa phương, nhưng những địa chỉ trên đảm bảo uy tín và chất lượng của sản phẩm.

Trên đây là một số điểm đặc biệt về món tôm chua Huế cùng danh sách top 10 địa chỉ mua tôm chua ngon nhất. Khi đến Huế, hãy dành thời gian thưởng thức món ăn đậm đà này và khám phá văn hóa ẩm thực độc đáo của xứ Huế.

1