Xem thêm

Tìm hiểu văn hóa ẩm thực từ bông súng ở miền sông nước

Bông súng - Một món quà thiên nhiên ban tặng trong mùa nước nổi. Món ăn nhân dân giản dị mà hết sức ngon miệng. Trong những ngày này, tại các huyện đầu nguồn như...

Bông súng - Một món quà thiên nhiên ban tặng trong mùa nước nổi. Món ăn nhân dân giản dị mà hết sức ngon miệng. Trong những ngày này, tại các huyện đầu nguồn như An Giang, đặc biệt phía bên kia kênh Vĩnh Tế, mỗi ngày có rất nhiều người chèo xuồng đi nhổ bông súng khiến sinh hoạt mùa lũ trở nên sôi động khác thường. Bông súng cũng được sử dụng để chế biến thành các món ăn độc đáo mang đậm hương vị miền sông nước.

Bông súng - Loài hoa đặc trưng của miền sông nước

Bông súng, món quà của miệt đồng. Loài hoa sáng nở chiều tàn, mặn mà trong lòng người Nam bộ. Vào mùa nước nổi, trên các cánh đồng bưng mọc toàn bông súng trắng; bà con thường bơi xuồng ra đồng nhổ vào sáng sớm. Nhiều nhà nghiên cứu cho biết bông súng nở quay về hướng mặt trời; nên cọng bông súng có tính ấm và ôn.

Người dân tỉnh An Giang thường ăn bông súng kèm với nhiều món ngon hấp dẫn như cá kho, thịt kho; hoặc làm dưa chua, xào tép, tuyệt nhất là chấm mắm kho cá linh. Bởi thế dân gian thường ca ngợi: Mặn mà lẩu mắm cá linh/ Bông súng, điên điển chấm vào quên no. Nhằm tạo cho món ăn thăng hoa, người dân còn vẽ vời nạo dừa khô trộn chung với bông súng; để chan mắm vào, vừa lùa vừa húp một cách ngon lành. Canh chua bông súng cũng là món ăn dân dã thường ngày. Ai đã từng sống ở đồng bưng, ai đã từng chiến đấu trên các nẻo đường miền Tây chắc hẳn không bao giờ quên món canh chua bông súng của mẹ nấu.

Món gỏi bông súng

Gần đây, nhiều nhà hàng đã có sáng kiến làm món gỏi bông súng vừa ngon vừa hấp dẫn; không thua bất cứ loại gỏi nào. Những ai từng ca ngợi món gỏi ngó sen hay gỏi bồn bồn; chắc chắn sẽ không khỏi bất ngờ khi chạm đũa vào đĩa gỏi bông súng vì nó vừa lạ miệng, vừa mềm mại và quyến rũ! Nhất là trộn với tôm, thịt và ăn kèm bánh phồng tôm càng kích thích vị giác.

Cách làm cũng dễ thôi nhưng đòi hỏi phải công phu, tỉ mỉ. Bông súng đem lột sạch lớp da bên ngoài rồi cắt khúc, rửa sạch; có thể ngâm nước đá để tăng độ giòn, xong cho tỏi, ớt, chanh, đường và nước mắm vào. Sau đó đổ tôm sú luộc và thịt nạc khìa xắt mỏng vào trộn chung. Nhiều đầu bếp khéo tay còn chăm chút rắc thêm rau răm, ớt đỏ thái chỉ, hành tây…; vừa để trang trí vừa làm tăng thêm hương vị đậm đà; nhìn vào là phát thèm và muốn khám phá ngay mùi vị đặc trưng của bông súng hương đồng gió nội.

Món mắm kho bông súng đặc trưng miền sông nước

mắm kho bông súng Món mắm kho bông súng là món đặc trưng miền sông nước

Món ăn ngon nhất là bông súng kèm với mắm kho, mà không phải bông súng nào cũng ngon như nhau; chỉ có loại bông súng trắng, cọng nhỏ cỡ chiếc đũa ăn cơm, ăn mới mềm, có “hậu” ngọt…. Bông súng nhổ về để nguyên cọng rửa sạch; tước vỏ bên ngoài, ngắt mỗi cọng độ dài chừng hai gang tay, để trong rổ cho ráo nước.

Mắm kho phải là mắm kho cá sặc đồng ngâm trong hũ mắm bằng sành trên gài nhánh cây ổi tươi có lót mo cau ăn mới ngon. Mắm dỡ ra có màu đỏ thẫm thơm lừng, ăn sống với cơm nguội càng ngon.

Mắm kho phải ăn lúc còn nóng thì mới ngon. Ăn mắm kho, ngoài bông súng thì chúng ta có thể ăn với các loại rau ghém khác tùy theo sở thích của từng người. Cái giòn giòn của bông súng, mùi thơm của mắm, béo béo của thịt ba rọi, giòn giòn, ngòn ngọt của tép đồng và mùi the the của sả, cay cay của ớt làm thành một món ăn dân dã, bình dân mà tuyệt vời ở miền sông nước.

Món bông súng bóp xổi

Để có món bông súng bóp xổi, người ta lấy cuống bông súng tước bỏ vỏ ngoài, rửa sạch rồi ngắt từng khúc ngắn 4 - 5 cm, để vào một thau sạch. Dùng tay bóp nhẹ những cọng súng làm cho dập mà không nát.

Pha một chén giấm cùng vài muỗng đường cát, khuấy cho tan đường. Đổ chén giấm vào thau bông súng, thêm một nắm rau răm xắt nhỏ vào, trộn đều là được. Chấm với nước mắm kho quẹt hoặc với nước tương kho. Món này ăn rất ngon miệng, tác dụng kích thích tiêu hóa, an thần, trợ tim, giải độc; rất tốt cho người ăn uống kém, ăn không tiêu, mất ngủ; tim đập mạnh, bồn chồn không yên, người bị di tinh, bạch đới, ho, viêm đường tiết niệu.

1